Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Quy định vê trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại do sự thỏa thuận của các bên

Pháp luật thương mại đã dành quyền chủ động rất cao cho các bên tham gia hợp đồng trong thương mại cũng như đề cao tính tự do trong hợp đồng. Do vậy, các bên được quyền tự thỏa thuận các trường hợp miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng thương mại theo nguyên tắc chung các điều khoản đó không trái với quy định của pháp luật. Xuất phát từ lí do đó, tại điểm a khoản 1 Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định: “các bên sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại nếu có sự thỏa thuận của các bên về trường hợp đó được miễn trách nhiệm”.

Hình ảnh có liên quan

Có thể thấy rằng, quy định trên chỉ đơn giản là công nhận trường hợp miễn trừ trách nhiệm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận trước mà không để ý tới trường hợp một trong các bên lợi dụng sự tồn tại của điều khoản miễn trừ trách nhiệm để vi phạm hợp đồng, để không phải chịu chế tài nào, từ đó dẫn tới hậu quả là sự bất bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng thương mại.

Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Nhưng kể cả khi hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Khi hợp đồng được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thì thỏa thuận miễn trách nhiệm cũng có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, việc chứng minh sự tồn tại một thỏa thuận không bằng văn bản sẽ gặp những khó khăn nhất định. Thực tiễn trong giao kết hợp đồng thương mại cho thấy ít khi các bên chấp nhận việc thỏa thuận trực tiếp và rõ ràng về các trường hợp miễn trách nhiệm, vì có thể bên vi phạm sẽ vin vào điều này để không tuân thủ hợp đồng. Do đó, các bên có thể thỏa thuận gián tiếp miễn trách nhiệm ở một chừng mực nhất định.

Theo quy định trên, có thể thấy pháp luật đã tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng nếu nó không trái với quy định pháp luật. Đồng thời, việc tự thỏa thuận này mặc dù không lường trước hết các trường hợp nhưng phần nào cũng giúp các bên tự giác tuân thủ theo hợp đồng mà không cần phải áp dụng tới chế tài. Tuy nhiên, thực tế lại gặp phải những khó khăn vì sẽ là căn cứ cho những chủ thể cố ý vi phạm thỏa thuận hợp đồng và gây thiệt hại cho chủ thể còn lại do đó cần đưa ra một cơ chế cụ thể để xử lý vấn đề này hoặc khi đưa ra thỏa thuận về miễn trách nhiệm hợp đồng thương mại các bên phải hết sức cân nhắc về vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét