Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Những điểm mới về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

Trong pháp luật tố tụng dân sự, chưa có một quy định cụ thể nào về khái niệm người đại diện của đương sự. Tuy nhiên, dựa vào tính chất của việc đại diện, ta có thể hiểu, người đại diện của đương sự  trong tố tụng dân sự là người tham gia tố tụng nhân danh và vì lợi ích đương sự , nhằm xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ra đời đã bổ sung thêm những quy định mới về người đại diện của đương sự theo hướng tích cực hơn, giúp bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích của các đương sự. Trong bài viết này, mình xin cung cấp thêm cho các bạn thông tin về những điểm mới về người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự để các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Kết quả hình ảnh cho người đại diện trong tố tụng dân sự

Những quy định về người đại diện của đương sự trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 gồm những điểm mới sau đây:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bổ sung quy định:“Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự”. Quy định này đã mở rộng phạm vi đại diện, đồng thời làm rõ ràng, phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015 từ đó tạo nên sự thống nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Theo đó, một pháp nhân có thể ủy quyền cho một cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập hoặc thực hiện giao dịch cho mình. Tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Như vậy, đây là sự bổ sung hoàn toàn tiến bộ so với quy định về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, nếu trước đây quy định về người đại diện chưa rõ ràng và dường như chỉ cho phép cá nhân là người đại diện cho cá nhân hay pháp nhân khác thì pháp luật hiện hành đã chính thức ghi nhận quyền đại diện của cả pháp nhân.

Thứ hai, tiếp tục quy định mở rộng hơn về trường hợp đại diện là tổ chức đại diện tập thể lao động, theo khoản 3 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định: “Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động…”
Quy định này nhằm tạo ra sự thống nhất với Bộ luật lao động 2012, Luật Công đoàn 2012 tại các Điều 195, Điều 196, Điều 197 và Điều 199 quy định về quyền của Công đoàn trong việc bảo vệ người lao động trước Tòa án và các văn bản hướng dẫn liên quan.
       Ở Việt Nam, Công đoàn là tổ chức duy nhất đảm nhận chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của tập thể lao động, việc bổ sung thêm quy định này nhằm bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động phát sinh từ quan hệ lao động. Giúp người lao động có thể yên tâm tham gia các quan hệ lao động mà không phải dè chừng, sợ sệt khi sảy ra mâu thuẫn với người sử dụng lao động.
      
Thứ ba, khoản 4 Điều 85 bổ sung quy định: Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.
Có thể thấy, tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Như vậy, sự thay đổi này này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do pháp luật trước đây quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn. Do đó, để tương thích về mặt nội dung, pháp luật tố tụng đã kịp thời bổ sung phù hợp trường hợp này để bảo về quyền lợi tối đa của họ.

Thứ tư, Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về việc chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự, theo đó, pháp luật hiện hành đã bổ sung thêm quy định này đối với vụ việc lao động mà có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ lại thuộc các trường hợp không được làm người đại diện nhưng Toà án không chỉ định được người đại diện tham gia tố tụng thì Toà án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó. Quy định này là hoàn toàn phù hợp với quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể lao động nhằm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Có thể thấy rằng những điểm mới về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự đã đánh dấu một bước nhảy vọt cả về lượng lẫn chất trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về người đại diện. Việc quy định rõ ràng, đầy đủ giúp quyền và lợi ích của đương sự được bảo đảm trên thực tế, qua đó góp phần tăng cường bảo vệ công lí, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét