Trong các giao
dịch đơn thuần giữa các bên về dân sự cũng như trong hoạt động kinh doanh,
thương mại, do sự thiếu am hiểu luật pháp, thiếu thông tin về tình trạng pháp
lý của các đối tượng giao dịch của một hoặc cả hai bên… sẽ khiến cho các giao
dịch chứa đựng rất nhiều rủi ro, dẫn đến những hậu quả bất lợi, những tranh
chấp xâm hại đến quyền lợi ích của các bên tham gia giao dịch và cũng đẩy gánh
nặng về phía cơ quan chức năng trong việc giải quyết những hậu quả này.
Công chứng là một
dịch vụ công ích quan trọng, một thể chế không thể thiếu được của Nhà nước pháp
quyền để đảm bảo giá trị pháp lý, sự an toàn của các giao dịch nói trên. Các
văn bản công chứng có giá trị xác thực, giá trị pháp lý và độ tin cậy hơn hẳn
các loại giấy tờ không có chứng nhận xác thực hoặc chỉ trình bày bằng miệng.
Các văn bản công chứng bảo đảm sự an toàn của các giao dịch, tạo nên sự yên tâm
tin tưởng của khách hàng, hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp xảy ra. Về
phương diện Nhà nước cũng đảm bảo trật tự, kỷ cương, ổn định trong việc quản lý
các giao dịch; từ đó cũng góp phần làm giảm đáng kể việc giải quyết tranh chấp
luôn là gánh nặng của các cơ quan chức năng và giúp các cơ quan chức năng quản
lý tốt hơn các hoạt động giao dịch. Vì vậy công chứng cũng mang tính dịch vụ
công ích, phục vụ cho hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước.
Giá trị pháp lý
của văn bản công chứng được quy định tại Điều 5 của luật công chứng năm 2014,
theo đó, văn bản công chứng mang giá trị thi hành và giá trị chứng cứ:
1. Giá trị thi hành
Theo
khoản 2 Điều 5 Luật công chứng 2014 thì: “Hợp
đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan;
trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia
có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp
các bên có thỏa thuận khác”. Theo đó, nội dung đã được thỏa thuận trong văn
bản công chứng sẽ có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên tham gia hợp đồng,
giao dịch đồng thời với cả bên thứ ba. Bởi khi một hợp đồng, giao dịch được
công chứng thì nó sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên như đã thỏa
thuận trong nội dung của giao dịch, hợp đồng. Đồng nghĩa với việc một văn bản
đã được công chứng có giá trị thi hành trên thực tế bởi sự tôn trọng và chấp
hành những nội dung đã được thỏa thuận trong văn bản.
Ví
dụ: khi một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được các bên ký kết và
công chứng thì các bên có liên quan như tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân
có liên quan cũng phải công nhận và làm các thủ tục cần thiết liên quan.
Bên
cạnh đó, theo qui định tại khoản 4 Điều 5 Luật công chứng 2014 có quy định: “bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng
như giấy tờ, văn bản được dịch”. Như vậy, các bản dịch đã được công chứng
tương đương với các văn bản, giấy tờ gốc được dịch. Khi các chủ thể đưa ra bản
dịch được công chứng thì nó sẽ có giá trị tương đương với văn bản gốc được dịch
và khi đó, các bản dịch được công chứng sẽ có hiệu lực đối với tất cả các chủ
thể có liên quan, trừ trường hợp có vi phạm sảy ra trong quá trình công chứng
như: có căn cứ cho rằng công chứng viên chưa kiểm tra tính chính xác của bản dịch
mà đã công chứng, hay có sự câu kết giữa công chứng viên và người yêu cầu công
chứng nhằm thực hiện cá hành vi vi phạm pháp luật,….
Như
vậy, có thể thấy rằng văn bản công chứng không chỉ có hiệu lực thi hành đối với
các bên tham gia mà còn có hiệu lực đối với bên thứ ba. Việc công chứng viên của
tổ chức hành nghề công chứng tiến hành hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch,
bản dịch buộc phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, bản
dịch đó tức là chịu trách nhiệm cả về mặt nội dung và hình thức, cho nên một
văn bản công chứng cũng có giả trị thi hành đối với bên thứ ba.
Xét trong mối quan hệ
giữa các bên trong hợp đồng thì hiển nhiên là những gì họ đã cam kết trong hợp
đồng, giao dịch thì họ có ngĩa vụ thực hiện, không được bội ước. Đó cũng là
nguyên tắc trong luật dân sự, dó đó hiệu lực thi hành của văn bản công chứng
không có gì mới trong pháp luật về công chứng. Nếu như trước đây tại một số văn
bản quy định về công chứng quy định trong trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ
thì bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết.
Nhưng việc luật quy định một cách chung chung không cụ thể khiến cho việc thi
hành gặp nhiều khó khăn. Vậy cơ quan có thẩm quyền ở đây là cơ quan nào? Luật
công chứng 2014 đã khắc phục được hạn chế đó và tại quy định tại Điều 5 đã chỉ
rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp bên còn lại vi phạm nghĩa
vụ là Tòa án. Việc quy định như vậy sẽ góp phần giúp cho việc thi hành pháp luật
trở nên dễ dàng thuận lợi và thống nhất hơn.
2. Giá trị chứng cứ
Căn cứ theo quy định tại
khoản 3 Điều 5 Luật công chứng năm 2014 thì Hợp đồng, giao dịch được công chứng
có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được
công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Trước hết, chứng cứ theo
quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chứng cứ được hiểu là những gì
có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định hành vi phạm
tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết
cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Cùng với đó, tại khoản
10 Điều 95 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: “Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng,
chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”. Tại khoản
1 Điều này cũng quy định rằng: “Tài liệu
đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng,
chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.
Từ những quy định trên
đã khẳng định rằng, văn bản công chứng có giả trị chứng cứ chứ không phải chứng
minh. Cơ sở của quy định này xuất phát từ việc khẳng định vai trò chức năng của
công chứng viên về chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch cả về
thời gian, địa điểm, hay nói cách khác là sự chứng nhận về mặt hình thức và chứng
nhận cả về mặt nội dung của các hợp đồng, giao dịch và nội dung của các bản dịch.
Pháp luật đã quy định
thủ tục tạo lập cũng như thông qua một văn bản công chứng khá chặt chẽ, phức tạp
bao gồm một loạt các thủ tục tính từ khi Công chứng viên tiếp nhận ý chí của
các bên giao kết hợp đồng, xác định tư cách chủ thể của các bên, kiểm tra năng
lực hành vi dân sự của chủ thể, tính tự nguyện của các bên trong giao kết hợp đồng,
xác định nguồn gốc hợp pháp của đối tượng hợp đồng, kiểm tra tính hợp pháp của
hợp đồng,... Ngoài ra, văn bản công chứng được ghi lại dưới hình thức nhất định
đồng thời cũng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nên rất rõ ràng.
Văn bản công chứng được coi như là một phương tiện ghi nhận ý chí, sự thỏa thuận
của các bên khi tham gia giao kết một hợp đồng, giao dịch cụ thể trên thực tế.
Hơn nữa, bản thân công chứng viên được coi như một Thẩm phán phòng ngừa vì trước
khi công chứng một hợp đồng, giao dịch nào đó đã phải xác minh, làm rõ các tình
tiết, sự kiện có liên quan bằng các kiến thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp của
mình. Chẳng hạn, để công chứng một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,
Công chứng viên phải xác nhận sự tự nguyện của hai bên thông qua việc họ cùng
có mặt tại Phòng Công chứng hoặc văn phòng công chứng vào thời điểm ký kết, xác
minh rõ nguồn gốc của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đối tượng của hợp đồng,...
Tuy nhiên, trên thực tế
có những tình tiết, sự kiện phát sinh khiến cho một số văn bản công chứng mặc
dù đã được công chứng nhưng sau đó mới phát hiện ra sự sai sót có thể là xuất
phát từ công chứng viên hoặc có sự giả mạo, gian dối đối với những giấy tờ, tài
liệu trước đó hoặc việc công chứng không phù hợp với quy định của pháp luật thì
Tòa án có thể tuyên bố văn bản công chứng là vô hiệu. Chẳng hạn sau khi công chứng
di chúc mới phát hiện tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc không còn
minh mẫn nữa hay chữ ký trong di chúc là giả mạo, ... Khi đó, giá trị chứng cứ
của văn bản công chứng sẽ không còn, đồng thời cũng không có giá trị thực hiện,
không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, giao dịch.
Một văn bản công chứng
chỉ bị tuyên là vô hiệu khi hoạt động công chứng là trái pháp luật. Các văn bản
công chứng có giá trị xác thực, giá trị pháp lý và độ tin cậy hơn hẳn các loại
giấy tờ không có xác nhận xác thực hoặc chỉ trinh bày bằng miệng. Các văn bản
công chứng bảo đảm sự an toàn của các giao dịch, tạo nên sự tin tưởng của khách
hàng, hạn chế mức thâp nhất các tranh chấp có thể xảy ra. Về phương diện Nhà nước
cũng đảm bảo trật tự, kỷ cương ổn định trong việc quản lý các giao dịch, từ đó
góp phần làm giảm đáng kể việc giải quyết tranh chấp luôn là gánh nặng của cơ
quan chức năng và giúp các cơ quan quản lý tốt hơn trong các hoạt động giao dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét