Hiện nay, trong quá trình hội nhập
kinh tế thế giới, việc các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam mở chi nhánh để
thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất phổ biến. Tuy
nhiên, thủ tục thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam được thực
hiện như thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Trong bài viết này, mình xin giới
thiệu với các bạn thủ tục thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam để
các bạn có cái nhìn chi tiết hơn về vấn đề này.
Trước tiên, để tiến hành đăng ký
thành lập chi nhánh công ty nước ngoài, bạn lưu ý rằng doanh nghiệp của bạn phải
đủ điều kiện được cấp giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam, theo đó, gồm
các điều kiện sau:
- Được đăng ký thành lập hợp pháp
theo quy định của pháp luật nước mà doanh nghiệp đặt trụ sở
- Đã hoạt động ít nhất 5 năm kể từ
ngày đăng ký thành lập
- Đối với doanh nghiệp có thời hạn hoạt
động được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thời hạn đó phải còn
ít nhất là 1 năm
- Nội dung hoạt động của chi nhánh định
thành lập đó phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trừ trường hợp
được sự cho phép của bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành
Nếu thấy rằng doanh nghiệp của bạn đủ
điều kiện được đăng ký thành lập chi nhánh tại Việt Nam như trên thì bạn sẽ tiến hành
chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập, gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép
thành lập Chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện theo pháp luật của
doanh nghiệp nước ngoài ký
- Bản sao Giấy đăng ký kinh
doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài
- Văn bản của thương
nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh
- Giấy tờ chứng minh sự tồn tại và hoạt động của doanh
nghiệp nước ngoài trong năm tài chính gần nhất do tổ chức có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đó thành lập xác nhận
- Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh dự định thành lập
- 1 trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu Chi nhánh;
- Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh
- Giấy ủy quyền nếu doanh nghiệp ủy quyền cho một cá nhân,
tổ chức khác thực hiện thay.
Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ, bạn nộp trực tiếp tại cơ
quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của Việt Nam tiếp nhận, có thể nộp trực tiếp
hoặc gửi qua đường bưu điện
Trong thời gian 3 ngày, cơ quan tiếp nhận sẽ kiểm tra tính
hợp lệ của hồ sơ, nếu chưa hợp lệ thì sẽ ra thông báo sửa đổi bổ sung hồ sơ. Cần
chú ý rằng chỉ được sửa đổi, bổ sung hồ sơ 1 lần.
Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận sẽ cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho
doanh nghiệp nước ngoài, trừ trường hợp việc
thành lập Chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên
ngành thì sẽ mất nhiều thời gian hơn vì cơ quan cấp giấy phép phải hỏi ý kiến
của bộ quản lý chuyên ngành.
Cơ
quan có thẩm quyền cấp giấy phép: Bộ công thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét