Từ trước đến nay, trong
quá trình thực hiện quản lý hành chính nhà nước khó có thể tránh khỏi sự xung đột
hay tranh chấp về lợi ích, quan điểm áp dụng pháp luật giữa chủ thể quản lý
hành chính nhà nước và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Những xung đột,
tranh chấp này chủ yếu xuất phát từ việc chủ thể quản lý hành chính nhà nước
đơn phương áp đặt ý chí của mình gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của
đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị
xâm hại thì pháp luật trao cho họ quyền để bảo vệ mình thông qua việc khởi kiện
và sâu hơn nữa là kháng cáo các quyết định về việc giải quyết các tranh chấp
đó. Vậy khởi kiện và kháng cáo có gì khác nhau, chúng có ý nghĩa gì? Trong bài
viết này, mình xin cung cấp thêm cho các bạn sự khác nhau giữa khởi kiện và
kháng cáo để các bạn có thể biết khi nào thì được gọi khởi kiện, khi nào thì sẽ
được gọi là kháng cáo.
1.1.
Tính chất của khởi kiện và kháng cáo
Khởi kiện thực chất là việc
yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính theo thủ tục TTHC
để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi việc thực thi quyền hành
pháp còn kháng cáo là việc yêu cầu tòa án cấp trên trực tiếp xem xét lại bản
án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm nhằm tạo
điều kiện để các chủ thể có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa các sai lầm, thiếu
sót của bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, bảo vệ quyền và lợi ích của
cá nhân, cơ quan, tổ chức và nhà nước cũng như duy trì trật tự pháp luật trong
quản lý nhà nước.
1.2.
Thời điểm tiến hành khởi kiện và kháng cáo
Khởi kiện được tiến hành
vào giai đoạn trước khi thụ lý và giải quyết vụ án, là cơ sở làm phát sinh
trách nhiệm xem xét thụ lý giải quyết VAHC của Tòa án có thẩm quyền. Khi cá
nhân, cơ quan, tổ chức có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình trực
tiếp bị xâm phạm bởi quyết đinh hành chính, hành vi hành chính, thì họ sẽ nộp
đơn khởi kiện cho tòa án, và vụ việc họ khởi kiện này chưa được giải quyết bằng
bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Đối với kháng cáo thì được
tiến hành vào giai đoạn tố tụng hành chính, khi Tòa án cấp sơ thẩm có bản án,
quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án thì những bản án này chưa có
hiệu lực luôn mà sẽ có thời hạn kháng cáo theo Điều 206 Luật TTHC. Việc kháng
cáo theo đúng thủ tục do pháp luật quy định sẽ làm phát sinh thủ tục phúc thẩm.
Như vậy khởi kiện được thực
hiện khi vụ việc đó chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của Tòa án
còn kháng cáo được thực hiện khi vụ việc đó đã được khởi kiện và được tòa án thụ
lý, giải quyết bằng các quyết định, bản án để giải quyết vụ việc đó.
1.3.
Đối tượng của khởi kiện và đối tượng của kháng cáo
Đối tượng của khởi kiện
trong TTHC được quy định tại khoản 1,2,3,4,5 Điều 3, Điều 30,31,32 Luật TTHC.
Theo đó thì đối tượng của khởi kiện trong TTHC bao gồm:
- Quyết định hành chính,
hành vi hành chính trừ những quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước
theo quy định của pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang
tính nội bộ của cơ quan tổ chức; quyết định, hành vi của tòa án trong việc áp dụng
các biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
- Quyết định kỷ luật buộc
thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
- Quyết định giải quyết
khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Danh sách cử tri.
Mặt khác, đối tượng của
kháng cáo có phần khác so với đối tượng của khởi kiện.Nếu đối tượng của khởi kiện
là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể có thẩm quyền
trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước thì đối tượng của kháng cáo lại là
bản án, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ của tòa án cấp sơ thẩm. Bên cạnh đó,
theo Điều 202 Luật TTHC thì Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu
kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay nên đương sự không có quyền
kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.
Như vây, theo như phân
tích trên thì đối tượng của khởi kiện và kháng cáo là hoàn toàn khác nhau. Nếu
đối tượng của khởi kiện là những vụ việc chưa từng được Tòa án có thẩm quyền thụ
lý và giải quyết thì đối tượng của kháng cáo lại là những vụ việc đã được tòa
án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định nhưng trong thời hạn kháng cáo, chủ thể có
quyền kháng cáo làm đơn kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết
lại, là cơ sở để phúc thẩm VAHC.
1.4.
Chủ thể có quyền khởi kiện và chủ thể có quyền kháng cáo
Quyền khởi kiện được quy
định tại Điều 105 Luật TTHC. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi
ích hợp pháp bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ
thể quản lý hành chính nhà nước thì có quyền khởi kiện ra tòa án để bảo về quyền,
lợi ích chính đáng của mình.
Người có quyền kháng cáo
được quy định tại Điều 204 Luật TTHC:
“Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án,
quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm
để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”. Theo
như quy định này thì chủ thể có quyền kháng cáo là đương sự hoặc người đại diện
hợp pháp của đương sự.
Như vậy, ta có thể thấy sự
khác nhau giữa chủ thể có quyền kháng cáo và chủ thể có quyền khởi kiện. Chủ thể
có quyền khởi kiện là đối tượng quản lý hành chính có quyền và lợi ích bị xâm
phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể quản lý hành
chính nhà nước, họ có thể khởi kiện thông qua người đại diện theo pháp luật của
mình. Còn chủ thể có quyền kháng cáo là đương sự và người đại diện của đương sự,
đương sự ở đây gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan, và người đại diện thì gồm có cả người đại diện theo pháp luật và người
đại diện theo ủy quyền. Như vậy ta có thể thấy chủ thể có quyền kháng cáo rộng
hơn chủ thể có quyền khởi kiện, điều đó đồng nghĩa với việc việc kháng cáo một
bản án, quyết định chưa có hiệu lực là dễ dàng hơn so với việc khởi kiện một
VAHC.
1.5.
Thời hiệu khởi kiện và thời hạn kháng cáo
Thời
hiệu khởi kiện:
Thời hiệu khởi kiện được
quy định tại Điều 116 Luật TTHC. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ
quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án
hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết
thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp
được quy định như sau:
-
01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được
quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
-
30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải
quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
-
Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải
quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải
quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của
cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
Trường hợp đương sự khiếu
nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
-
01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được
quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần
hai;
-
01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết
khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền
không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Thời
hạn kháng cáo:
Đối với kháng cáo thì thời
hạn kháng cáo được quy định tại điều 206 Luật TTHC, theo đó:
-
Thời hạn kháng cáo đối với bản án hành
chính sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại
phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn
kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Đối với trường
hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không
có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.
-
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm
đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ
ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định
được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở
trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.
Như vậy, tuy khởi kiện và
kháng cáo đều có thời hiệu phụ thuộc vào đối tượng của vụ việc, nhưng ta có thể
thấy rằng thời hạn khởi kiện dài hơn so với thời hạn kháng cáo.
1.6.
Hình thức và nội dung khởi kiện và kháng cáo
·
Hình
thức
Theo quy định của pháp luật,
khởi kiện và kháng cáo đều được thực hiện bằng văn bản, cụ thể đó là đơn khởi
kiện và đơn kháng cáo. Người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và nộp đến Tòa án
có thẩm quyền giải quyết vụ việc, người có quyền kháng cáo thì sẽ làm đơn kháng
cáo gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết đinh, bản án bị kháng cáo.
·
Nội
dung
Đơn khởi kiện phải có đầy
đủ các nội dung chính theo Điều 118 Luật TTHC. Đơn kháng cáo phải có đầy đủ nội
dung theo quy định tại Điều 205 Luật TTHC. Do khởi kiện là yêu cầu tòa án giải
quyết vụ việc nên trong đơn khởi kiện, người khởi kiện phải đưa ra được lý dó
thuyết phục, phải chứng minh được rằng các quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị
xâm phạm thì Tòa án mới xem xét thụ lý vụ án nếu không sẽ rất dễ bị Tòa án trả
lại đơn. Mặt khác, nội dung trong đơn kháng cáo, người có quyền kháng cáo chỉ cần
nêu lên lí do kháng cáo rằng không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án cấp
sơ thẩm thì bản án, quyết định đó sẽ được xem xét lại, chứ không cần lý do phải
chặt chẽ, mang tính thuyết phục cao như lí do khởi kiện.
1.7. Ý nghĩa pháp lý
Khởi kiện là cơ sở để Tòa
án có thể xem xét, giải quyết VAHC, làm phát sinh trách nhiệm xem xét thụ lý và
giải quyết của Tòa án có thẩm quyền, khắc phục tình trạng độc quyền trong việc
giải quyết các khiếu kiện hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần
đề cao trách nhiệm công vụ của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước trong việc
ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và giải quyết
các khiếu nại hành chính. Còn kháng cáo sẽ làm phát sinh thủ tục phúc thẩm,
nghĩa là khi có kháng cáo, tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét toàn bộ hoặc một
phần bản án, quyết định có liên quan đến nội dung kháng cáo theo thủ tục phúc
thẩm. việc xem xét này tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền khắc phục, sửa
chữa các sai lầm, thiếu sót của bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng như duy trì trật
tự pháp luật trong quản lý nhà nước.