Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Thủ tục nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam

Nhập khẩu hàng hóa là việc đưa hàng hóa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng như: khu chế xuất, khu công nghiệp, hoặc các khu kinh tế khác mà có hàng hóa của nước khác sản xuất mà trong đó quy định quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu vực này với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Kết quả hình ảnh cho thủ tục nhập hàng hóa từ nước ngoài vào việt nam

Để nhập khẩu hàng hóa vào trong nội địa, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của hàng hóa để được nhập khẩu vào Việt Nam. Tùy từng loại mặt hàng, tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia mà điều kiện để nhập khẩu vào trong nước sẽ khác nhau. Có những mặt hàng cấm nhập khẩu thì sẽ không được nhập khâu vào trong nước, có những mặt hàng hạn chế nhập khẩu thì điều kiện nhập khẩu cần đáp ứng sẽ cao hơn. Vậy làm thế nào để biết rằng hàng hóa dự định nhập khẩu là được phép, cần làm hồ sơ, thủ tục như thế nào để hàng hóa có thể dễ dàng được đưa vào nội địa mà không phải mất thời gian, chi phí rườm rà? Trong bài viết này, mình xin giới thiệu với các bạn những vấn đề cần lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Đầu tiên, bạn cần phải kiểm tra xem hàng hóa mà bạn dự định nhập khẩu vào trong nước có thuộc trường hợp bị cấm nhập khẩu hay không. Danh mục các loại hàng hóa cấm nhập khẩu thì các bạn có thể tham khảo ở phụ lục 1 của nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt mà các loại hàng hóa bị cấm nhập khẩu này được phép nhập khẩu, các bạn có thể tham khảo khoản 3 Điều 5 của nghị định này.

Sau khi kiểm tra và chắc chắn rằng hàng hóa mà bạn dự định nhập khẩu không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu thì các bạn sẽ tiến hành đặt hàng và tiến hành ký hợp đồng mua bán hàng hóa. Khi hàng hóa đến cửa khẩu hải quan của Việt Nam, thì bạn phải làm thủ tục hải quan sau đó mới được thông quan. Tùy vào từng loại mặt hàng nhập khẩu mà thủ tục, hồ sơ cần chuẩn bị để nộp cho hải quan là khác nhau.

Trước khi làm thủ tục hải quan, bạn cần phải nộp tờ khai hải quan theo mẫu theo hình thức hải quan điện tử bằng phần mềm thông dụng và đợi lấy kết quả phân luồng. Kết quả phân luồng gồm có 3 kết quả, tương ứng với mỗi luồng là thủ tục cần làm và hồ sơ cần thiết để nộp cho cơ quan hải quan.

Đối với luồng xanh, bạn chỉ cần lấy hàng sau khi nộp thuế. Bên cạnh đó, bạn cũng nên mang theo hóa đơn, chứng từ trong trường hợp tờ khai có sai sót.

Đối với luồng vàng, bạn cần xuất trình một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Tờ khai hải quan được in từ phần mềm và không cần đóng dấu
- Hóa đơn thương mại
- Giấy chứng nhận xuất xứ trong các trường hợp sau đây:
Hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế hoặc ưu đãi khác hoặc có giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức(trừ khi vận chuyển qua biên giới, nhập khẩu từ khu phi thuế quan hoặc nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý)
- Giấy chứng nhận kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của cơ quan có thẩm quyền
- Giấy phép nhập khẩu nếu hàng hóa bạn nhập khẩu thuộc trường hợp nhập khẩu theo giấy phép. Danh sách các hàng hóa cần có giấy phép, các bạn có thể tham khảo phụ lục II ban hành kèm theo nghị định 187/2013/NĐ-CP

Đối với luồng màu đỏ, bên cạnh việc bạn phải nộp một bộ hồ sơ như đối với luồng vàng đã nêu trên thì hàng hóa cần phải được kiểm hóa, theo đó bạn đăng kí kiểm tra hàng hóa rồi xuống cảng làm thủ tục hạ hàng đưa vào khu kiểm hóa và liên hệ với cán bộ hải quan xuống làm thủ tục kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong, cán bộ hải quan sẽ lập biên bản kiểm hóa, nếu đạt yêu cầu, sẽ làm thủ tục quyết & bóc tờ khai là xong phần ở chi cục. Bạn in mã vạch tờ khai hải quan,  làm nốt thủ tục ký hải quan giám sát là hoàn tất thủ tục.
Sau khi đã chuẩn bị đủ hồ sơ chứng từ, bạn tiến hành khai hải quan và nộp thuế, nghĩa vụ tài chính và đợi hàng hóa được thông quan.

Một số lưu ý:
Về giấy phép nhập khẩu, bạn cần phải tra cứu danh mục các hàng hóa nhập khẩu cần phải có giấy phép nhập khẩu trong nghị định 187/2013/NĐ-CP  xem hàng hóa mà bạn dự định nhập khẩu có cần phải làm giấy phép nhập khẩu không, nếu có thì cần làm luôn trước khi giao dịch với bên bán hàng, tránh trường hợp giao dịch với bên bán xong nhưng chưa xin được giấy phép, như vậy thì khi hàng hóa đến Việt Nam sẽ không được thông quan vì không đủ giấy tờ. Khi đó, trong thời gian chờ để được cấp giấy phép nhập khẩu để đảm bảo cho hàng hóa được thông quan thì phải thuê chỗ để hàng hóa hoặc là phí bảo quản hàng hóa, bên cạnh đó, trong một số trường hợp không giao hàng cho khách đúng như thời hạn đã thỏa thuận thì có thể bị phạt hợp đồng. Như vậy sẽ mất thêm 1 khoản chi phí không đáng mất.

Về địa điểm làm thủ tục hải quan: chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét